TẠP CHÍ MỚI ĐĂNG | Vol. 18, No. 11.1, 2020
Tác giả: Trương Công Tuấn, Đoàn Thị Ngọc Như, Nguyễn Đình Tuy, Nguyễn Huy Quyền,
Mã số: JST-UD2020-106 | Trang: 1-6 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtKhởi động đen là quy trình khôi phục lại nguồn điện bằng cách sử dụng các nhà máy phát điện trong trường hợp hệ thống truyền tải điện quốc gia bị mất điện hoàn toàn hoặc một phần. Trong bài báo này, giải pháp khởi động đen và vận hành ở chế độ ốc đảo được đề xuất cho nhà máy thủy điện Đăkrơsa tại tỉnh Kontum. Trước hết, mô hình toán học của nhà máy thủy điện Dakrosa được xây dựng để làm cơ sở cho việc phân tích và thiết kế giải pháp. Dựa trên mô hình toán học này, các thuật toán điều khiển PID và điều khiển mờ được đề xuất để khởi động đen nhà máy và vận hành ở chế độ ốc đảo cấp điện cho một phụ tải xác định. Để kiểm chứng sự khả thi và hiệu quả của các thuật toán đề xuất, các mô phỏng được thực hiện trên phần mềm Matlab-Simulink. Các kết quả mô phỏng cho thấy đáp ứng công suất huy động và ổn định tần số tốt hơn trong trường hợp có sử dụng logic mờ kết hợp với thuật toán PID truyền thống.
Tác giả: , , Trần Thị Ngọc Trâm
Mã số: JST-UD2020-129 | Trang: 7-10 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtNguyên liệu là lá lốt tươi được thu hoạch ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ đem chưng cất lấy tinh dầu bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Qúa trình chưng cất được khảo sát các thông số tối ưu cho hiệu suất tinh dầu cao nhất; Tinh dầu thu được đem xác định các chỉ số hóa-lý và thành phần hóa học. Kết quả cho biết hiệu suất chưng cất cao nhất (0,61‰) ở điều kiện tối ưu của quá trình chưng cất lôi cuốn hơi nước là: kích cỡ nguyên liệu (1 mm); tỉ lệ rắn: lỏng (1:2) (g/mL), thời gian chưng cất (3 giờ) và loại lá trưởng thành. Tinh dầu có các chỉ số hóa lý thấp cho dự đoán chất lượng tinh dầu ổn định, khó bị oxi hóa. Thành phần chính trong tinh dầu lá lốt là Myristicin (36,03%), Euasarone (32,03%), β-Caryophyllene (9,11%), γ-Elemene (2,97%) và Apioline (2,18%).
Tác giả: , Bùi Minh Định, Phạm Văn Tuấn
Mã số: JST-UD2020-149 | Trang: 11-15 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtĐộng cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu khởi động trực tiếp với hiệu suất vận hành cao, hệ số công suất xấp xỉ 1 ở chế độ xác lập sẽ là một giải pháp thay thế từng phần cho động cơ không đồng bộ rôto lồng sóc đang được sử dụng phổ biến ở thời điểm hiện tại. Đối với động cơ này, kết cấu rôto ảnh hưởng rất lớn đến các thông số làm việc. Với cấu hình rôto, bên cạnh lựa chọn kích thước răng rãnh thì lựa chọn số lượng răng rãnh thích hợp cũng cần phải tính đến. Vì vậy trong nội dung, bài báo nghiên cứu ảnh hưởng của số lượng răng rãnh rôto đến thông số vận hành của động cơ có công suất 2,2 kW, 3 pha, bốn cực được cải tiến từ động cơ không đồng bộ rôto lồng sóc. Từ kết quả, bài báo rút ra một số kết luận để nâng cao hiệu suất và hiệu số công suất khi thiết kế lựa chọn số lượng răng rãnh rôto.
Tác giả:
Mã số: JST-UD2020-116 | Trang: 16-20 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtVới quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh thì nhu cầu về xây dựng không thể tách rời, trong đó xi măng bê tông được xem là vật liệu cần thiết. Tuy nhiên, Việc sản xuất xi măng luôn gắn liền với vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải và do khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, rác thải thủy tinh cũng gây ra vấn đề báo động về môi trường vì chất thải này không phân hủy được. Do thành phần hóa của thủy tinh chủ yếu là SiO2 vô định hình và nếu được nghiền mịn vật liệu này đóng vai trò hoạt tính pozzolanic, cải tiến đáng kể độ bền của sản phẩm khi đóng rắn. Do đó, nghiên cứu này hướng đến tận dụng thủy tinh phế thải thay thế một phần xi măng trong sản xuất bê tông nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng để đảm bảo được yêu cầu về tính công tác và cường độ của bê tông theo yêu cầu thì hàm lượng thủy tinh thay xi măng tối đa là 25%.
Tác giả: Thi Yen Vu*, Bùi Văn Huy, Phùng Thị Vân
Mã số: JST-UD2020-109 | Trang: 21-26 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtBài báo này đề xuất một bộ điều khiển bền vững thích nghi trên cơ sở mạng nơ rôn cho robot công nghiệp. Trong thực tế robot là một hệ thống phi tuyến và trong quá trình làm việc, chúng thường phải chịu đựng ma sát phi tuyến, sự thay đổi của tải và nhiễu bên ngoài tác động, …Để giải quyết vấn đề này, một bộ điều khiển đã được thiết kế trên cơ sở kế thừa ưu điểm của bộ điều kiển thích nghi nơ rôn và SMC để điều khiển vị trí của một robot công nghiệp. Trong bộ điều khiển đưa ra, NNs sử dụng để xấp xỉ động lực học chưa rõ của robot công nghiệp. Luật thích nghi của các tham số mạng được thiết lập bằng thuyết ổn định Lyapunov, ổn định và bền vững của toàn bộ hệ thống điều khiển đã đạt được. Cuối cùng, kết quả mô phỏng được thực hiện trên robot 3 bậc tự do đưa ra và so sánh với bộ điều khiển AFC và BPC từ đó chứng minh bộ điều khiển NNs có khả năng bám chính xác và khả năng bền vững cao hơn.
Tác giả: , Nguyễn Quang Cư
Mã số: JST-UD2020-121 | Trang: 27-32 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtỐng khí động đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu thực nghiệm về khí động học trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, ống khí động vòng kín, với nhiều ưu điểm thường được sử dụng trong các trường Đại học trên thế giới. Trong nghiên cứu này, với mục đích hướng đến việc chế tạo một ống khí động phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, nhóm tác giả đã thiết kế một ống khí động vòng kín cỡ nhỏ, làm việc với tốc độ thấp, khoảng 20 m/s tại buồng thử. Các bộ phận chính của ống khí động được tính toán để xác định hình dáng và kích thước phù hợp. Đặc tính chuyển động của không khí trong ống khí động được đánh giá thông qua phương pháp mô phỏng số, từ đó cho thấy chất lượng và độ đồng đều của dòng chảy, đặc biệt là tại buồng thử. Kết quả mô phỏng cho thấy, ống khí động được thiết kế hoàn toàn có thể được chế tạo và sử dụng để nghiên cứu trong các trường đại học.
Tác giả: , , Lương Huỳnh Vủ Thanh, Đoàn Văn Hồng Thiện, ,
Mã số: JST-UD2020-156 | Trang: 33-38 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtNghiên cứu đã tổng hợp thành công hạt lai kết hợp giữa lõi poly(N-isopropylacrylamide) (PNIPAM) và vỏ silica dựa trên hai cách tiếp cận. Với cách tiếp cận thứ nhất, N,N′-methylenebisacrylamide (MBA) được dùng làm tác nhân liên kết ngang trong quá trình hình thành lõi hạt P(NIPAM/AM), tiếp theo là quá trình lắng đọng của tiền chất silica trên bề mặt lõi thông qua phản ứng sol-gel với sự hiện diện của 3-glycidyloxypropyltrimethoxysilane (GLYMO). Hạt lai P(NIPAM/AM/ MBA)@silica thu được có dạng hình cầu, cấu trúc vỏ-lõi, phân bố kích thước hẹp, và vẫn giữ được đặc tính nhạy nhiệt. Tuy nhiên, đường kính hạt tương đối to (563,5±28,2 nm). Theo cách thứ hai (không dùng MBA), các hạt lai P(NIPAM/AM)@silica được tổng hợp từ các chuỗi P(NIPAM/AM) trong trạng thái co ở 50°C làm chất tạo mầm cho quá trình bọc silica trong sự hiện diện của GLYMO. Kết quả thu được hạt lai P(NIPAM/AM)@silica có hình dạng, cấu trúc và tính chất tương tự P(NIPAM/AM/MBA)@silica nhưng đường kính chỉ 68,7±6,2 nm. Kết quả thu được đã mở ra tiềm năng ứng dụng của vật liệu lai giữa PNIPAM và silica trong lĩnh vực dẫn truyền thuốc.
Tác giả: , Nguyễn Anh Tuấn, Vũ Trung Hiếu
Mã số: JST-UD2020-140 | Trang: 39-43 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtCân xác định trọng lượng là nhu cầu phổ biến của đời sống hằng ngày. Cân đo trọng lượng trên một băng tải hoạt động liên tục sẽ giúp cho quá trình hoạt động sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Xử lý tín hiệu cân động dưới băng tải hoạt động liên tục là một thách thức và khó khăn cần giải quyết. Trong bài báo này, nhóm tác giả sẽ nghiên cứu ứng dụng thuật toán Kalman vào xử lý tín hiệu cân động điện tử hoạt động dưới băng tải hoạt động liên tục. Tín hiệu cân động sẽ được đọc từ cảm biến trọng lực lên phần mềm Matlab. Thuật toán Kalman sẽ được xây dựng trên phần mềm Matlab để xử lý tín hiệu này. Kết quả nghiên cứu sẽ được đối sánh với các phương pháp lọc Fir và lọc trung bình, trên phần mềm Matlab. Sau đó giải thuật Kalman sẽ được viết ứng dụng vào Kit vi xử lý để chế tạo cân động điện tử cho băng tải cân trái cây.
Tác giả: Hồ Xuân Năng,
Mã số: JST-UD2020-157 | Trang: 44-47 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtXe tự hành là một phương tiện với khả năng hoạt động mà không cần sự điều khiển hay can thiệp trực tiếp từ con người. Đây đang là hướng đi tương lai, một xu thế trong ngành công nghiệp xe đang ngày càng hiện đại và phát triển hiện nay vì thế việc hình thành các khái niệm về xe tự hành cũng như bước đầu xây đựng bản đồ số hóa cho xe đóng vai trò rất quan trọng tạo nên dữ liệu cơ sở tốt cho việc vận hành xe tự hành. Với mục đích chủ động trong quá trình xây dựng bản đồ số, bài báo đã trình bày một phương pháp xây dựng bản đồ đám mây điểm sử dụng thuật toán Normal Distribution Transform (NDT) với dữ liệu thực thu được từ Velodyne. Kết quả trong bài báo đóng vai trò trong cơ sở nghiên cứu, phát triển và tích hợp với hệ thống xe tự hành tại Việt Nam.
Tác giả: , ,
Mã số: JST-UD2020-127 | Trang: 48-51 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtNghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định những đặc điểm sinh học dinh dưỡng của cá bống trứng (Eleotris melanosoma) và cá bống cát (Glossogobius giuris) để góp phần bảo vệ nguồn lợi cá ở khu hệ đầm Thị Nại. Mẫu cá được thu từ ngư dân đánh bắt cá trên đầm. Những đặc điểm sinh học dinh dưỡng của cá như thức ăn tự nhiên và sự thay đổi tính ăn được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, thức ăn tự nhiên của cá bống trứng là động vật thân mềm, giáp xác và cá, trong khi đó cá bống cát chỉ ăn hai nhóm con mồi là giáp xác và cá. Cả hai loài cá bống này đều cho thấy sự thay đổi tính ăn theo các giai đoạn phát triển cá thể. Từ những kết quả nghiên cứu có thể thấy, cá bống trứng và cá bống cát là những loài cá ăn động vật và cũng có sự thay đổi tính ăn như nhiều loài cá ăn động vật khác.
Tác giả: , Lê Vũ Trường Sơn, Trịnh Ngọc Đạt, Phạm Văn Tuấn, Đặng Ngọc Toàn, Đinh Thanh Khẩn, Lê Văn Thanh Sơn
Mã số: JST-UD2020-153 | Trang: 52-55 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtVật liệu BaAl2O4: x%Tb3+; y%Ce3+ (x = 0 và 1; y = 0 ÷ 2) được tổng hợp bằng phương pháp phản ứng pha rắn. Cấu trúc tinh thể và các đặc trưng quang học của các vật liệu được nghiên cứu bằng các phép đo nhiễu xạ tia X, kính hiển vi điện tử quét, phổ tán xạ năng lượng tia X và quang phát quang. Từ phổ kích thích chúng ta thấy rằng bước sóng 315 nm là tối ưu để làm bước sóng kích thích. Phổ phát quang của các vật liệu trong khoảng bước sóng từ ~350 nm đến ~430 nm của Ce3+ và các đỉnh tại các bước sóng 489 nm, 543 nm và 586 nm lần lượt ứng với các chuyển dời điện tử 5D4 → 7FJ của Tb3+. Khi tăng nồng độ pha tạp của ion Ce3+ trong khi giữ nguyên nồng độ Tb3+ thì cường độ phát quang của Tb3+ tăng trong khi cường độ phát quang của Ce3+ giảm. Điều này chứng tỏ có sự truyền năng lượng từ Ce3+ sang Tb3+. Hiệu suất truyền năng lượng đạt tới 69,39% ứng với nồng độ Ce3+ là 0,5% mol.
Tác giả: , Lê Vũ Khánh Trang, Cáp Kim Cương, Lê Quang Trường, Nguyễn Thị Huyền Trang
Mã số: JST-UD2020-068 | Trang: 56-61 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtNghiên cứu được tiến hành với mục đích tìm ra chủng vi khuẩn Bacillus thuringiensis có hoạt tính chitinase mạnh làm cơ sở khoa học cho việc sản xuất chế phẩm chitinase ứng dụng trong phòng trừ bệnh hại cây trồng. Từ 25 mẫu đất của hợp tác xã Túy Loan, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng, chúng tôi đã phân lập được 3 chủng vi khuẩn Bacillus sp. có hoạt tính sinh tổng hợp chitinase (T1, T2 và T3). Trong đó chủng T3 có khả năng sinh tổng hợp chitinase mạnh nhất. Kết quả định danh bằng phương pháp giải trình tự gen 16S rRNA cho thấy chủng T3 có độ tương đồng 99,86% với loài Bacillus thuringiensis SRG2. Hoạt tính chitinase cao nhất của chủng T3 được tìm thấy trong môi trường nuôi cấy sau 48h với nguồn nitơ là pepton, cacbon là lactose, pH = 7. Các dạng chitin (chitosan, gel chitin, vỏ tôm) bổ sung vào môi trường nuôi cấy ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh tổng hợp chitinase của chủng T3.
Tác giả: , Đỗ Mạnh Dũng, Lại Duy Phương, Phạm Thành Công
Mã số: JST-UD2020-165 | Trang: 62-65 của Vol. 18, No. 11.1, 2020 |
Tóm tắtNghiên cứu nuôi vỗ cá bống tro bằng hỗn hợp các loại thức ăn khác nhau (mực, tôm, cá tạp, thức ăn công nghiệp) và ở các độ mặn khác nhau (12‰, 15‰, 18‰). Sử dụng liều dùng kết hợp khác nhau của LRHa, HCG và DOM, các độ mặn 12‰, 15‰, 18‰ và giá thể khác nhau (giai lưới, ống nhựa, tấm nhựa trắng) để kích thích cá sinh sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cá bống tro bố mẹ được nuôi vỗ tích cực ngắn ngày bằng thức ăn hỗn hợp (60% cá tạp + 20% mực + 20% tôm) cho tỷ lệ thành thục cao nhất (đạt 77,0%) và nuôi vỗ ở độ mặn 15‰ cho tỷ lệ thành thục cao nhất (81,1%). Cá bống tro cái được tiêm kích dục tố với liều sơ bộ là 20µgLRHa và liều quyết định là 30µg LRHa + 1000UI HCG + 10mg DOM/1kg cho tỷ lệ đẻ đạt cao nhất (60,0%); sử dụng ống nhựa làm giá thể cho cá đẻ đạt tỷ lệ đẻ cao nhất (71,11%) và cho đẻ ở độ mặn 15‰ đạt tỷ lệ đẻ cao nhất (72,2%).